Đường Daehak, không gian nghệ thuật có một không hai tại Hàn Quốc

Mục lục bài viết

    Dưới ánh nắng hè chói chang, đoàn kịch Nangmancheongchun (Lãng mạn Thanh xuân) đang chuẩn bị biểu diễn tại một sân khấu ngoài trời ở Daekakno (tạm dịch là đường Daehak) thuộc phường Hyehwa, quận Jongno, thành phố Seoul. Vì là kịch đường phố nên rất khó để mời gọi, thu hút khán giả. Tuy nhiên, đối với những diễn viên kịch thì việc được biểu diễn tại đường Daehak có ý nghĩa hết sức đặc biệt. Biểu diễn nghệ thuật đường phố là một nét đặc sắc, độc đáo của riêng con đường này, không chỉ với nghệ sĩ mà còn với cả du khách đặt chân đến đây. 

    >> Xem thêm: Học tiếng Hàn phiên dịch đang là ngành hot

    Vài nét thú vị về đường Daehak

    Đường Daehak chính là nơi các chương trình kịch nói, nhạc kịch, ca múa không ngừng được tổ chức tại các sân khấu, rạp hát nằm dọc theo con đường, nơi người ta có thể cảm nhận được rõ nét sức trẻ, đời sống văn hóa cũng như sự tự do, phóng khoáng của đất Seoul. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì đường Daehak cũng giống như nhiều địa điểm vui chơi khác của Seoul với những cửa hàng quần áo, quán ăn, tiệm cà phê, tiệm hoa… na ná như nhau. Nhưng đó không phải là tất cả. Diễn viên kịch Kang Jung-woo giải thích : "Ở đường Daehak, bên trên mặt đất vẫn là những quán xá như mọi nơi nhưng khi xuống tầng hầm tự dưng lại xuất hiện rạp hát. Trong một số rạp, sân khấu tách biệt với chỗ ngồi của khán giả, nhưng có rạp không có sự tách biệt đó. Cùng một vị trí nhưng chỉ cách một bước chân là như bước vào thế giới khác. Mật độ rạp hát dày đặc ở đây cũng là điều mà bạn không thể thấy được ở bất cứ đâu, kể cả Broadway của Mỹ hay West End của Anh. Bởi thế mà đây chính là nơi liên tục có nhiều tác phẩm mới được ra mắt." 

     

    Đường Daehak, không gian nghệ thuật có một không hai tại Hàn Quốc
    Đường Daehak, không gian nghệ thuật có một không hai tại Hàn Quốc

     

    Tại đây hiện có khoảng 150 rạp hát lớn nhỏ với tổng cộng gần 22.000 chỗ ngồi và gần như tất cả các rạp đều sáng đèn hàng ngày để phục vụ những người yêu nghệ thuật biểu diễn. Sức sống mãnh liệt của nghệ thuật biểu diễn ở đường Daehak được thể hiện rõ nhất qua hằng hà sa số các tấm poster được dán đầy trên các bức tường. Cùng với đó là rất nhiều phòng vé được dựng bên ngoài nơi biểu diễn và đội ngũ nhân viên quảng cáo đông đảo luôn tích cực mời gọi du khách. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết : "Tại đường Daehak, có rạp có sức chứa tới hơn 1.000 khán giả, đủ để dựng lên nhạc kịch và có cả rạp hát chưa đến 80 chỗ ngồi. Có lẽ chẳng nơi nào trên thế giới có được không gian nghệ thuật như thế này. Có thể gọi đường Daehak là nơi hình thành và thử nghiệm nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc." Với số lượng chương trình nhiều như vậy thì khán giả là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Họ sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn, đồng thời, điều này cũng khiến cho họ cảm thấy hào hứng hơn với sự lựa chọn của mình. 

    Đường Daehak bắt đầu từ vòng xuyến giao thông phường Hyehwa và kết thúc ở ngã tư phường Ehwa. Đường có tổng chiều dài 1,5km, rộng 40m với 6 làn xe nhưng nếu tính luôn cả những ngõ nhỏ tỏa ra từ trục lộ chính thì chu vi của nó là khá rộng. Năm 1985, chính quyền Seoul đặt tên cho con đường này là đường Văn hóa nghệ thuật. Nhưng do trước kia nơi đây có trường đại học Quốc gia Seoul nên người ta quen gọi nó là Daehakno (Đại học lộ) như ngày nay. Ông Huh Jin-hong, Trưởng ban kế hoạch của Lễ hội văn hóa đường Daehak lần thứ 12, chia sẻ : "Vào thập niên 1970, trường đại học Quốc gia Seoul từng được đặt ở đường này. Bây giờ, trường đã được dời về quận Gwanak nằm ở phía Nam sông Hàn, chỉ còn lại bệnh viện đại học Quốc gia Seoul. Hồi trước, ngóc ngách nào ở đây cũng có dấu ấn của sinh viên, nhất là các phòng trà sinh viên. Khu vực trường đại học Hongik và Sinchon chỉ cho thấy trào lưu văn hóa thịnh hành hiện nay trong giới sinh viên chứ không cho thấy được văn hóa sinh viên ngày xưa. Hiện nay, rất nhiều sinh viên tìm đến đường Daehak và tạo nên sự giao thoa giữa văn hóa sinh viên ngày xưa với văn hóa sinh viên ngày nay." 

    >>> Xem thêm: The Korea Blog - blogging korea sharing experene 


    Các cơ sở của trường đại học Quốc gia Seoul như tòa nhà chính, trường vật lý, trường luật, trường y, trường mỹ thuật… đều từng nằm rải rác xung quanh hai bên con đường này. Đến năm 1975, ngoại trừ bệnh viện đại học Quốc gia Seoul, mọi cơ sở còn lại đều được di dời đến phường Sillim, quận Gwanak. Phần đất bỏ lại được dùng để xây dựng công viên Marronnier, nơi có một cây dẻ cổ thụ, lấy tên tiếng Pháp là “Marronnier”. Từ đó, xung quanh công viên bắt đầu trở thành nơi thu hút các đoàn văn hóa nghệ thuật. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết : "Cơ sở biểu diễn đầu tiên có mặt ở đây là Nhà hát nghệ thuật Arko mà trước năm 1981 có tên là Trung tâm Văn nghệ. Sau đó, xung quanh nhà hát này bắt đầu xuất hiện rạp hát của các đoàn biểu diễn khác như rạp Bờ suối, rạp Chim Xanh… Số lượng rạp hát mọc lên mỗi lúc một nhiều, chiếm hết mọi con hẻm và kéo dài đến tận vòng xuyến giao thông phường Hyehwa. Nếu không có sơ đồ hướng dẫn trong tay, bạn sẽ khó tìm ra rạp hát mình muốn đến."

    Nằm cạnh công viên Marronnier, Nhà hát nghệ thuật Arko nổi bật với những bức tường màu đỏ do kiến trúc sư danh tiếng Kim Su-geun thiết kế. Trong suốt hơn 30 năm qua, đây là nơi công diễn hàng chục tác phẩm nổi tiếng, mỗi năm đón khoảng năm triệu lượt người xem. Sự có mặt của Nhà hát nghệ thuật Arko cùng với các đoàn nghệ thuật đã biến đường Daehak trở thành mái nhà chung của các nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu. Nhưng chỉ từ khi được gọi là đường Văn hóa nghệ thuật, Daehak mới thực sự được nhiều đoàn văn nghệ tìm đến, ngày đêm cho ra mắt các vở diễn cùng những thử nghiệm mới mẻ. 

    Mái nhà chung của nhiều thế hệ nghệ sĩ Hàn Quốc

    Có thể nói, mọi xu hướng kịch của Hàn Quốc đều xuất hiện từ đường Daehak. Và đây cũng là nơi xuất thân, trưởng thành của nhiều diễn viên Hàn Quốc ngày nay. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết thêm : "Với số lượng chỉ vài rạp hát nhỏ ban đầu, đường Daehak gần như không có tiếng nói trong làng kịch nghệ cũng như nghệ thuật biểu diễn. Nhưng khi các rạp hát học lên như nấm ở đây, nhất là sau khi được chính phủ chỉ định là một khu vực văn hóa từ sau những năm 1990 thì mọi chuyện khác hẳn. Đường Daehak hiện là nơi tạo nên mọi trào lưu biểu diễn mới, trong đó có cả những thử nghiệm đa dạng. Thông qua con đường này, người ta có thể thấy được bộ mặt nghệ thuật biểu diễn của Hàn Quốc. Từ thập niên 1990 đến nay, nơi đây luôn giữ vững vị trí tiên phong của nghệ thuật biểu diễn và là xuất phát điểm cho những ai muốn bước chân vào con đường diễn xuất." 

    Nhờ kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian biểu diễn tại đường Daehak mà nhiều diễn viên đã trở thành những tên tuổi lớn trong làng giải trí xứ Hàn. Hiện tại, đây cũng vẫn là nơi nuôi dưỡng giấc mơ của rất nhiều diễn viên mới ra nghề. Diễn viên Kang Jung-woo tâm sự : "Nhiều diễn viên thành danh cũng đã từng phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt ở đường Daehak như chúng tôi. Chúng tôi quan sát, học hỏi diễn xuất tuyệt vời của họ và trưởng thành lên từng ngày. Thật là ý nghĩa khi được diễn xuất ở nơi đã từng lưu giữ dấu ấn của họ! Điều này mang đến cho chúng tôi thêm nhiều động lực để theo đuổi ước mơ của mình. Hồi trước, tôi cũng từng xem nhiều diễn viên biểu diễn tại đây và bây giờ họ đã trở thành tài tử điện ảnh hay diễn viên truyền hình. Không nhất thiết tôi phải đi theo con đường mà họ đã đi, nhưng đó cũng là một loại hình diễn xuất và nó giúp diễn viên tiến gần hơn tới ước mơ của mình." 

     

    Đường Daehak, không gian nghệ thuật có một không hai tại Hàn Quốc
    Đường Daehak, không gian nghệ thuật có một không hai tại Hàn Quốc


    Ngày nay, nhiều diễn viên điện ảnh, truyền hình nổi tiếng vẫn thường xuyên quay về đường Daehak để tìm lại cảm hứng và động lực diễn xuất. Với họ, con đường này không khác gì một mái nhà, một người mẹ luôn mở rộng vòng tay đón đứa con trở về. Diễn viên Joo Min-jin chân thành chia sẻ : "Ban đầu, các diễn viên không hề nghĩ đến tiền, miễn là được đứng trên sân khấu là hạnh phúc lắm rồi. Thế nhưng, thời gian qua đi và suy nghĩ của họ dần thay đổi. Họ chẳng những muốn đứng trên sân khấu mà còn muốn có tiền tài và danh vọng. Thay vì nghĩ đến diễn xuất, họ lại bận tâm đến nhiều điều khác. Những khi gặp khúc mắc hay có tâm tư, chỉ cần đến đây là họ sẽ lấy lại được tinh thần và động lực."

    Đường Daehak còn được xem là nơi khơi nguồn văn hóa nghệ thuật và sản sinh ra nhiều tài năng trong lĩnh vực này. Phần lớn các trường đại học có những khoa liên quan đến văn hóa nghệ thuật đã và đang bắt đầu đặt trụ sở khoa tại đây. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su cho biết : "Đặt trụ sở khoa ở một nơi có đất để thể hiện và sáng tạo sẽ mang đến nhiều thuận lợi. Hiện nơi đây đã có chi nhánh của các trường đại học như trường nữ Dongduk, trường Sangmyung, trường Kookmin và sắp tới là trường Chungang. Tại cửa ngõ của đường Daehak là ngã tư phường Ehwa còn có Trung tâm thiết kế của trường đại học Hongik. Lý do các trường tìm đến một nơi chật chội như thế này để xây các rạp hát nhỏ hay trung tâm biểu diễn là để có dịp được cọ sát, kiểm nghiệm khả năng cũng như phát triển hơn nữa. Thực tế cho thấy, những sinh viên trưởng thành từ đây thường rất xuất sắc."

    Một địa chỉ văn hóa, du lịch mang đậm chất sinh viên

    Với việc tập trung nhiều nghệ sĩ, rạp hát và thu hút các trường đại học… đường Daehak đã không còn là mảnh đất của riêng sân khấu, mà còn của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác cũng như trở thành một trong những địa chỉ văn hóa được sinh viên ưa chuộng. Lễ hội văn hóa đường Daehak cũng là một trong những nét đặc sắc của con đường này. Diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/6 vừa qua, Lễ hội lần thứ 12 năm nay vẫn tiếp tục bám sát chủ đề về văn hóa, tự nhiên và sức khỏe với trọng tâm là các chương trình biểu diễn đặc biệt cùng sự xuất hiện nhiều phòng tư vấn sức khỏe, tâm lý thanh thiếu niên, các phòng tranh từ thiện… 

    Lễ hội đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ, các câu lạc bộ sinh viên hay cơ quan đoàn thể xã hội. Những chương trình đa dạng mà họ mang đến đã biến một góc phường Hyehwa trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ông Huh Jin-hong, Trưởng ban kế hoạch của Lễ hội, giới thiệu : "Đặc trưng lớn nhất của Lễ hội là có sự chung tay góp sức của sinh viên. Còn mục đích của Lễ hội là để đánh giá mức độ thay đổi trong văn hóa sống của thanh niên ngày nay so với trước kia. Sinh viên ngày nay thường chỉ quan tâm đến thành tích hay điểm số, coi thời sinh viên như bước đệm trước khi tìm kiếm việc làm. Thông qua lễ hội, chúng tôi muốn chỉ ra con đường mới và tìm ra phương pháp phát triển hình thức văn hóa học đường đa dạng."

    Sân khấu biểu diễn Hip hop đã được rất đông khán giả đến xem và cổ vũ. Những động tác nhịp nhàng trên nền nhạc của các vũ công đã nhận được không ít tràn vỗ tay tán thưởng. Và đó chỉ là một trong số rất nhiều sân khấu ngập tràn sức trẻ, nhiệt huyết từ các nghệ sĩ múa, vũ công, diễn viên hay ca sĩ nghiệp dư của Lễ hội. Điều đó báo hiệu một tương lai hết sức tươi sáng cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của đường Daehak nói riêng và Hàn Quốc nói chung. Một khán giả cảm nhận : "Biểu diễn đường phố thì tôi đã xem nhiều ở khu vực trường đại học Hongik rồi, nhưng tôi thích đường Daehak vì ở đây có rất nhiều loại hình biểu diễn. Đến đây, tôi có được cảm nhận mọi mặt của đời sống văn hóa, kể cả nhiệt huyết của thanh niên."

    Mọi loại hình nghệ thuật biểu diễn đều đang có mặt tại con đường này từ kịch nói, nhạc kịch, múa cho đến âm nhạc. Nếu như đường Daehak vốn đã rất nổi tiếng như là nơi nuôi dưỡng và đào tạo các tiềm năng nghệ thuật thì ngày nay nó còn được biết đến với nhiều bảo tàng nhỏ và là địa chỉ tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch. Nhà phê bình văn hóa Kim Seong-su nhận định : "Ở đây có rất nhiều bảo tàng nhỏ nhưng đa dạng như bảo tàng chìa khóa, bảo tàng châu Phi, bảo tàng vật dụng làm bằng rơm rạ… Số lượng rạp hát và bảo tàng phong phú như vậy đủ để làm thành một tour du lịch văn hóa. Đó là chưa tính đến rất nhiều các hàng quán ở xung quanh, nơi du khách có thể thưởng thức một bữa ăn ngon miệng khi đi xem kịch hay tham quan bảo tàng."

    Khi nhắc đến đường Daehak, người ta nhớ đến một nơi lý tưởng để xem biểu diễn văn hóa, nơi tuổi trẻ được thỏa sức cống hiến nhiệt huyết, nơi có thể cảm nhận được sức sống của văn hóa nghệ thuật lan tỏa trong khắp mọi ngõ ngách. Bất cứ nơi nào trên con đường này đều có thể trở thành sân khấu và bất cứ người đi đường nào cũng đều có thể trở thành khán giả của người nghệ sĩ. Và đây cũng là nơi mà tình nghệ sĩ nồng thắm hơn bất cứ đâu. 

     

    (Theo KBS World)
     

    TIN LIÊN QUAN

    Bánh gạo Hàn Quốc - Cốt lõi nền ẩm thực đa sắc xứ Hàn
    03 THÁNG 11 Bánh gạo Hàn Quốc - Cốt lõi nền ẩm thực đa sắc xứ Hàn

    Là một đất nước có gạo và ngũ cốc là loại lương thực chủ đạo, thật thiếu sót khi không kể đến bộ sưu tập bánh gạo Hàn...

    Làn sóng Hallyu và sự ảnh hưởng của nó tại Việt Nam
    17 THÁNG 09 Làn sóng Hallyu và sự ảnh hưởng của nó tại Việt Nam

    Hãy để Phuong Nam Education lí giải giúp bạn quá trình phát triển và sự ảnh hưởng của văn hóa Hallyu tại Việt Nam.

    Khám phá 5 khu chợ nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc
    17 THÁNG 09 Khám phá 5 khu chợ nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc

    Cùng Phuong Nam Education khám phá điểm thu hút khách du lịch từ những khu chợ truyền thống Hàn Quốc.

    29 món ăn ngon nhất ở Hàn Phần 2
    24 THÁNG 08 29 món ăn ngon nhất ở Hàn Phần 2

    Tiếp theo, đây là những món ăn cực ngon ở Hàn mà bạn cần biết để thử nếu có dịp đến viếng thăm.

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤN KHÓA HỌC

    https://zalo.me/2229605603187256482