Khái quát lịch sử Triều Tiên

Mục lục bài viết

    Lịch sử Triều Tiên kéo dài từ thời kỳ đồ đá cũ có niên đại khoảng 8000 năm trước công nguyên đến ngày nay. Theo Tam quốc di sự (Samguk Yusa, 삼국유사, 三國遺事) và một số tư liệu cổ, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Triều Tiên bắt đầu từ năm 2333 TCN dưới thời Cổ Triều Tiên (2333–108 TCN).


    I. Thời Tiền Sử

    Những bằng chứng khảo cổ cho thấy dấu vết con người đã xuất hiện ở bán đảo Triều Tiên cách đây 70 vạn năm. Những công cụ lao động từ thời kỳ đồ đá cũ (70 vạn năm đến 4 vạn năm trước công nguyên) đã được phát hiện ở Hamgyong Bắc (Hàm Kính bắc - 함경북, 咸鏡北), Pyongan Nam (Bình An nam - 평안남, 平安南), Gyeonggi (Kinh Kỳ - 경기, 京畿) và tỉnh Chungcheong (Trung Thanh, 충청, 忠清) ngày nay. Con người đã khoét hang và làm nhà, dùng lửa để nấu đồ ăn và sưởi ấm. Họ săn bắn, hái lượm và bắt cá bằng các công cụ bằng đá.

    >>Xem thêm: Hình thức chào hỏi của người Hàn 

    1. Thời kỳ đồ gốm Trất Văn (Jeulmun, 즐문)

    Đồ gốm Triều Tiên sớm nhất được biết đến là những đồ gốm có niên đại khoảng 8 nghìn năm trước công nguyên, và bằng chứng thời kỳ đồ đá giữa hay đồ gốm Yungimun (long khởi văn, 융기문, 隆起文) được phát hiện khắp bán đảo. Một ví dụ về địa điểm khảo cổ thời đại Yungimun là Gosan-ni ở tỉnh Jeju (Tế Châu, 제주, 濟州). Đồ gốm Jeulmun (Trất văn, 즐문, 櫛文) hay đồ gốm hình lược có từ sau năm 7000 trước công nguyên, và đồ gốm hình lược với mật độ dày đặc đã được phát hiện ở miền Trung Tây Triều Tiên có niên đại từ 3500-2000 TCN, thời điểm tồn tại một số khu định cư như Amsa-dong (암사동). Đồ gốm Jeulmun mang dấu ấn và hình dạng tương tự với những đồ gốm thuộc nền văn hóa dây (Thằng văn thời đại - 縄文時代) của Nhật Bản và với đồ gốm được tìm thấy ở Primorsky Krai của Nga, Mông Cổ, và lưu vực các sông Hắc Long Giang (黑龙江) và sông Tùng Hoa (松花江) ở Mãn Châu.

    2. Thời kỳ đồ gốm Vô Văn (Mumun,무문)

    Bằng chứng khảo cổ học cho thấy những xã hội nông nghiệp và các hình thức sớm nhất của phức hợp xã hội-chính trị đã xuất hiện vào thời kỳ đồ gồm Mumun (vô văn, 무문, 無文) (khoảng 1500-300 TCN). Người dân ở miền Nam Triều Tiên đã làm nông theo lối thâm canh trên các cánh đồng khô và ruộng nước với nhiều vụ mùa vào đầu thời kỳ Mumun (1500-850 TCN). Những xã hội đầu tiên do các tộc trưởng hay thủ lĩnh lãnh đạo đã xuất hiện vào giữa thời Mumun (850-550 TCN), và những mộ táng người thuộc tầng lớp trên trong xã hội đã xuất hiện vào cuối thời Mumun (khoảng 550-300 TCN). Sản xuất đồ đồng bắt đầu từ giữa thời Mumun và có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong lễ nghi và chính trị của xã hội Mumun từ sau năm 700 TCN. Mumun là thời kỳ đầu tiên mà các làng xã hình thành, lan rộng và tiêu vong: một vài ví dụ quan trọng gồm các di tích Tùng Cúc lý (Songguk-ri, 송국리, 松菊里), Đại Bình (Daepyeong, 대평, 大坪), và Lê Cầm đỗng (Igeum-dong, 이금동, 梨琴 洞). Sự xuất hiện ngày càng nhiều của thương mại đường dài, gia tăng xung đột địa phương, sự xuất hiện đồng và luyện kim đen là những xu hướng chỉ rõ sự kết thúc của thời Mumun (khoảng 300 TCN).
     

    Học tiếng Hàn
    Học tiếng Hàn

    >> Xem thêm: Đây mới gọi là học tiếng Hàn online miễn phí

    3. Vương triều Cổ Triều Tiên (Gojoseon)

    Vương triều đầu tiên là Cổ Triều Tiên (Gojoseon, 고조선,古朝鮮), theo Tam quốc di sự (Samguk Yusa, 삼국유사, 三國遺事) và một số thư tịch Triều Tiên thời trung cổ, Cổ Triều Tiên được thành lập năm 2333 trước Công Nguyên bởi Đàn Quân (Dangun, 단군, 檀君). Đến năm 2000 trước Công Nguyên, đã có bằng chứng về một nền văn hóa đồ gốm, với những kiểu sơn trang trí, tại Mãn Châu và bắc Triều Tiên.

    Cư dân Cổ Triều Tiên có nguồn gốc từ các bộ lạc di cư Altai vốn lập nghiệp ở Mãn Châu, vùng viễn đông Trung Quốc phía bắc Trường Giang và bán đảo Triều Tiên. Họ là chủng tộc người Triều Tiên trực tiếp đầu tiên được nhắc đến trong thư tịch cổ.
    Thoạt đầu, Cổ Triều Tiên có lẽ đóng đô ở Liêu Ninh nhưng vào khoảng năm 300 TCN, đã dời đô về Bình Nhưỡng, thủ đô của Bắc Triều Tiên ngày nay. Những ghi chép cùng thời cho thấy Cổ Triều Tiên đã chuyển tiếp từ quần thể các bộ tộc trở thành vương quốc trung ương tập quyền ít nhất trước thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên.

    4. Cơ Tử Triều Tiên (Gija Joseon) (tranh cãi)

    Dù không được công nhận rộng rãi tại Triều Tiên, một số bản ghi chép của Trung Quốc viết Cơ Tử, một người chú của vua Trụ, vị vua cuối cùng triều đại nhà Thương, đã di cư tới Cổ Triều Tiên khoảng thế kỷ thứ 12 TCN. Điều này nói chung bị các nhà sử học Triều Tiên bác bỏ bởi sự trái ngược trong các bằng chứng sử sách và khảo cổ. Văn bản lịch sử đầu tiên viết về Cơ Tử là cuốn Trúc Thư Ký Niên - Biên niên sử viết trên thẻ tre (竹書紀年) và cuốn Luận ngữ (論 語) của Khổng Tử, cho rằng Cơ Tử có lẽ đã di cư tới Cổ Triều Tiên. Tuy nhiên, đồ vật thủ công mang tính đại diện cao nhất của Cổ Triều Tiên, con dao găm đồng hình cây đàn vĩ cầm (violin), khác biệt khá rõ về hình dáng và chất liệu so với dao đồng Trung Quốc. Thêm vào đó, một địa điểm khảo cổ học được cho là lăng mộ của Cơ Tử đã được tìm thấy tại tỉnh Sơn Đông Trung Quốc đã khẳng định thêm giả thuyết của các nhà sử học Triều Tiên.

    Có ý kiến cho rằng khi có cuộc chiến tranh giữa triều đình nhà Hán -Trung Quốc và Cổ Triều Tiên, các sử gia Trung Quốc đã thêm thắt để cho Cơ Tử trở thành người sáng lập Cổ Triều Tiên. Một số nhà sử học coi Cơ Tử Triều Tiên là một vương quốc riêng biệt nằm tại Liêu Ninh, cùng tồn tại với Cổ Triều Tiên.

    5. Thìn Quốc

    Ở khoảng TK thứ III trước Công Nguyên, một quốc gia gọi là Thìn Quốc nổi lên ở phần phía nam bán đảo Triều Tiên. Chúng ta biết rất ít về nước này, nhưng thực sự nó đã thiết lập các mối quan hệ với nhà Hán Trung Quốc và xuất khẩu các đồ thủ công tới Di Sanh (Yayoi) Nhật Bản. Vương quốc nhỏ này về sau phát triển trong liên minh Tam Hàn, gọi là Vệ Mãn Triều Tiên nhưng bị nhà Hán – Trung quốc đánh bại và đổi tên là Hán Tứ Quận.

    6. Suy tàn và sụp đổ

    Quá trình suy tàn và sụp đổ của Vương triều Cổ Triều Tiên vẫn còn đang gây tranh cãi. Lý thuyết do Triều Tiên thượng cổ sử (Joseon Sangosa) đưa ra cho rằng Cổ Triều Tiên đã tan rã từ khoảng năm 300 trước Công Nguyên và dần mất quyền kiểm soát các thuộc quốc cũ của mình. Nhiều nước nhỏ hơn nổi lên từ vùng lãnh thổ cũ của Cổ Triều Tiên như Phù Dư, Ốc Trở, Đông Uế, Cao Câu Ly và Bách Tế coi mình là là hậu duệ của Cổ Triều Tiên.

    II. Thời kỳ tiền Tam quốc

     

    Thời kỳ này còn được gọi là Thập Quốc thời đại (열국시대), là khoảng thời gian trước khi Tam Quốc Triều Tiên, gồm Cao Câu Ly, Tân La, và Bách Tế, xuất hiện, và sau khi Cổ Triều Tiên sụp đổ. Khoảng thời gian này chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tiểu quốc từ những lãnh thổ cũ của Cổ Triều Tiên. Trong số các nước đó, nước lớn nhất và có ảnh hưởng nhất là Đông Phù Dư và Bắc Phù Dư.

    1. Bắc Phù Dư

    Sau khi Cổ Triều Tiên sụp đổ, Hae Mosu (Giải Mộ Sấu), một hậu duệ của Cổ Triều Tiên, đã tập họp những quý tộc Cổ Triều Tiên còn lại tại Núi Ung Sơn và thành lập vương quốc. Phù Dư. Ông xưng là "Dangun," (Đàn Quân) danh hiệu được trao tặng cho những vị vua cai trị Cổ Triều Tiên. Hae Mosu và con cháu của mình đã cai quản vùng Buyeo trong bảy thế hệ. Phù Dư luôn phải chiến đấu với Vệ Mãn Triều Tiên và các nước láng giềng và dần trở thành kẻ chinh phục, tái thống nhất đa phần các lãnh thổ cũ của Cổ Triều Tiên. Đến năm 86 trước Công Nguyên, Phù Dư chia rẽ sau cái chết của vị Dangun thứ 4, Go Uru (Cao Ưu Lâu). Sau đó, ngôi báu Phù Dư được trao cho Giải Phu Lũ (Hae Buru), người anh/em của Cao Ưu Lâu. Giải Phu Lũ bị Go Dumak, hậu duệ của Goyeolga Dangun, vị vua cuối cùng của Cổ Triều Tiên, đánh bại, phải bỏ chạy về phía đông. Nơi ông tái lập vương quốc, gọi là Dongbuyeo.

    Học tiếng Hàn
    Học tiếng Hàn

    Còn Go Dumak sáp nhập vương quốc Dongmyeong với Buyeo, hình thành nên Jolbon Buyeo. Năm 60 trước Công Nguyên, ông qua đời và truyền ngôi cho con trai, Go Museo Dangun. Năm 38 trước Công Nguyên, Go Museo mất, ông không có con trai, vì thế ngôi báu được truyền lại cho con rể là Jumong. Jumong sau này trở thành người thành lập Cao Câu Ly, vương quốc ở xa nhất phía bắc và đã lớn mạnh để trở thành nước mạnh nhất trong Tam Quốc.

    2. Đông Phù Dư

    Đông Phù Dư được Vua Hae Buru thành lập năm 86 trước Công Nguyên, ông là anh/em trai của vị Dagun thứ 4 của Phù Dư. Người kế tục Hae Buru là Geumwa, người được nhắc tới trong huyền thoại thành lập Cao Câu Ly. Con trai của Geumwa, Đại Tổ, vị vua thứ ba và cuối cùng của Đông Phù Dư, ông đã chiến đấu chống lại vua Daemusin, và thiệt mạng, chấm dứt Đông Phù Dư.

    3. Ốc Trở

    Vương quốc Ốc Trở (Okjeo) là một quốc gia kiểu bộ tộc nằm ở phía bắc Bán đảo Triều Tiên, được thành lập sau khi Cổ Triều Tiên sụp đổ. Ốc Trở từng là một phần của Cổ Triều Tiên trước đó và chưa bao giờ phát triển thành một quốc gia. Ốc Trở đã trở thành một nước chư hầu của Cao Câu Ly, và cuối cùng bị Quảng Khai Thổ Hàn Vương của Cao Câu Ly (Gwanggaeto Taewang) sáp nhập vào Cao Câu Ly ở thế kỷ thứ 5.

    4. Đông Uế

    Đông Uế (Dongye) là một vương quốc nhỏ khác nằm ở phía bắc bán đảo Triều Tiên. Đông Uế giáp biên giới với Ốc Trở, và hai vương quốc có cùng số phận khi trở thành chư hầu của đế chế Cao Câu Ly. Đông Uế cũng từng là một phần của Cổ Triều Tiên trước khi vương quốc này sụp đổ.

    5. Lạc Lãng

    Sau khi Cổ Triều Tiên sụp đổ năm 239 trước Công Nguyên, Choe Soong, một quan chức cũ của Cổ Triều Tiên, đã thành lập một nước "Gojoseon mới" tại Liêu Ninh, tự gọi mình là Lạc Lãng Quốc (Nangnang-guk). Sau vài năm, Lạc Lãng Quốc dời về phía nam Bán đảo Triều Tiên gần Sông Đại Đồng, vì những cuộc tấn công liên tục từ Vệ Mãn Triều Tiên. Dù đa số các vị vua cai trị quốc gia này không được biết tới hay không được ghi lại tên tuổi trong sách sử, vị vua cuối cùng của nó thực sự có lưu danh. Choe Ri là vị vua cuối cùng của Nangnang Joseon và là cha của Công chúa Nangnang, một trong những nhân vật chính trong một câu chuyện tình lịch sử Triều Tiên. Công chúa và Hoàng tử Hodong của Cao Câu Ly đã yêu và sống cùng nhau dù có cuộc chiến giữa Cao Câu Ly và Lạc Lãng Quốc. Lạc Lãng Quốc bị Cao Câu Ly chinh phục năm 32 sau Công nguyên.

    6. Tam Hàn

    Tam Hàn (Samhan) là từ chỉ ba liên minh gồm Mã Hàn (Mahan), Thìn Hàn (Jinhan), và Biện Hàn (Byeonhan). Tam Hàn nằm ở vùng phía nam Bán đảo Triều Tiên. Ba liên minh này cuối cùng trở thành nền tảng thành lập nên ba nước là Bách Tế, Tân La, và Già Da (Gaya). Mã Hàn là nước lớn nhất và gồm 54 tiểu quốc bộ lạc. Biện Hàn và Thìn Hàn đều gồm 12 tiểu quốc, đưa tổng số thành 78 tiểu quốc bộ lạc trong Tam Hàn. Thuật ngữ "Tam Hàn" sau này đã được dùng để miêu tả Tam Quốc Triều Tiên.

    III. Thời kỳ Tam Quốc

    1. Cao Câu Ly

    Cao Câu Ly (Goguryeo) được Jumong (Đông Minh Vương/Dongmyeongseong) thành lập theo chế độ trung ương tập quyền sớm nhất và cũng là nước lớn nhất trong ba nước. Cao Câu Ly và vương triều đầu tiên tại Triều Tiên chấp nhận Phật giáo làm quốc giáo,  năm 372, dưới thời cai trị của Tiểu Thú Lâm Vương (Vua Sosurim).

    Cao Câu Ly phát triển cực thịnh vào thế kỷ thứ 5, khi Quảng Khai Thổ Hàn Vương và con trai, Trường Thọ Vương (vua Jangsu) mở rộng lãnh thổ ra hầu như toàn bộ Mãn Châu và một phần Nội Mông, và chiếm vùng Seoul từ Bách Tế. Hai vị vua đã khuất phục Bách Tế và Tân La trong thời đại của mình. Cao Câu Ly đã đánh bại các cuộc tấn công xâm lược lớn của Trung Quốc trong Chiến tranh Cao Câu Ly – nhà Tùy, giai đoạn 598-614, góp phần làm sụp đổ nhà Tuỳ. Sau đó, tiếp tục chống nhà Đường.

    Tuy nhiên, số lượng lớn các cuộc chiến tranh đã làm Cao Câu Ly kiệt quệ và trở thành một nước yếu ớt. Sau những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, nó đã bị liên minh các lực lượng Tân La- Đường chinh phục năm 668.

    2. Bách Tế (Baekje, 백제)

    Bách Tế (Baekje) được Ôn Tộ Vương (Vua Onjo) thành lập năm 18 trước Công Nguyên, sau hai nước láng giềng và cũng là đối thủ là Cao Câu Ly và Tân La.

    Tam quốc chí (Cao Ly) cho rằng Bách Tế là một thành viên của liên minh Mã Hàn tại khu vực châu thổ Sông Hán (gần Seoul ngày nay). Nước này đã mở rộng về phía tây nam (Chungcheong và Jeolla) bán đảo và đã trở thành một quyền lực chính trị, quân sự quan trọng. Trong quá trình này, Bách Tế rơi vào một cuộc xung đột dữ dội với Cao Câu Ly và Hán tứ quận ở vùng lân cận với các khu vực tham vọng lãnh thổ của họ.
    Ở thời kỳ phát triển cực thịnh trong thế kỷ thứ 4, Bách Tế đã sáp nhập toàn bộ các quốc gia Mã Hàn và chinh phục hầu như toàn bộ vùng phía tây bán đảo Triều Tiên (gồm cả các tỉnh Gyeonggi, Chungcheong, và Jeolla, và một phần của Hwanghae và Kangwon) vào một chính phủ trung ương tập quyền. Bách Tế hấp thu văn hóa và kỹ thuật Trung Hoa qua các tiếp xúc với các triều đình Nam Triều trong thời kỳ mở rộng lãnh thổ của họ.
    Bách Tế đóng vai trò then chốt trong việc làm trung gian chuyển phát các phát triển văn hoá, như Hán tự, Phật giáo, chế tạo đồ sắt, gốm sứ, và nghi lễ chôn cất vào Nhật Bản cổ đại. Các khía cạnh văn hóa khác cũng đã được du nhập qua đây khi triều đình Bách Tế phải rút lui sang Nhật Bản sau khi đất nước bị chinh phục. Bách Tế đã bị một liên minh gồm các lực lượng Tân La và nhà Đường chinh phục năm 660.

    3. Tân La (Silla, 실라)

    Theo truyền thuyết, vương quốc Tân La (Silla) khởi đầu với sự thống nhất sáu vị thủ lĩnh liên minh Thìn Hàn bởi Hách Cư Thế (Bak Hyeokgeose) năm 57 trước Công Nguyên, tại vùng phía đông nam Triều Tiên. Lãnh thổ Tân La gồm thành phố cảng Busan hiện nay, và Tân La sau này đã nổi lên trở thành một sức mạnh hàng hải chịu trách nhiệm tiễu trừ cướp biển Nhật Bản, Tân La nhanh chóng mở rộng lãnh thổ khi chiếm vùng châu thổ Sông Hán và thống nhất các thành bang tại đó.

    Tới thế kỷ thứ 2, Tân La đã tồn tại với tư cách một nước lớn, có sức ảnh hưởng tới các thành bang xung quanh. Tân La bắt đầu có được quyền lực khi sáp nhập liên minh Già Da (Gaya), năm 562. Tân La thường phải đối mặt với sức ép từ Bách Tế và Nhật Bản, và ở một số thời điểm từng liên minh cũng như là đối thủ của Bách Tế và Cao Câu Ly.

    Năm 660, Tân La Hàn Tông ra lệnh cho đội quân của mình tấn công Bách Tế. Tướng Kim Yu-shin (Kim Dữu Tín), với sự giúp đỡ của các lực lượng Nhà Đường, đã chinh phục Bách Tế. Năm 661, Tân La và nhà Đường tấn công Cao Câu Ly nhưng đã bị đẩy lùi. Văn Vũ Vương, con trai Hàn Tông và là cháu của Tướng Kim, tham mưu cho chú mình tung ra một chiến dịch tấn công khác năm 667 và Cao Câu Ly đã sụp đổ.

    4. Già Da (Gaya, 가야)

    Già Da (Gaya) là một liên minh giữa các thủ lĩnh trong khu vực châu thổ Sông Nakdong và phía nam Triều Tiên, phát sinh từ Liên minh Biện Hàn thuộc giai đoạn Tam Hàn. Già Da phát triển ở mức độ văn hóa đồ sắt. Năm 562, Già Da bị sáp nhập vào Tân La.


    IV. Thời kỳ Nam- Bắc Quốc

    1. Tân La Thống nhất

    Tân La Thống nhất kéo dài 267 năm, cho tới khi, dưới thời Kính Thuận Vương (Gyeongsun), nước này bị thay thế bởi Cao Ly năm 935.

    Sau những cuộc chiến tranh thống nhất, nhà Đường đã thiết lập những lãnh thổ tại Cao Câu Ly trước kia, và bắt đầu quản lý cũng như thành lập các cộng đồng tại Bách Tế. Tân La đã tấn công những người Trung Quốc tại Bách Tế và Bắc Triều Tiên năm 671.

    Sau đó Trung Quốc xâm chiếm Tân La năm 674 nhưng dưới sự lãnh đạo của Tướng Kim Yu-shin, Tân La đánh bại quân đội Trung Quốc ở phía bắc. Tân La buộc các lực lượng Đường phải rời khỏi bán đảo năm 676 và thống nhất đa phần Tam Quốc.
    Tân La Thống nhất là một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật Triều Tiên và Phật giáo đã đóng một vai trò lớn trong văn hóa Tân La.

    Tân La bắt đầu gặp phải các rắc rối chính trị năm 780 khi các vị vua ám sát các thủ lĩnh nổi dậy. Việc này đã làm Tân La suy yếu nhanh chóng một thời gian ngắn sau đó, các hậu duệ của Bách Tế trước kia đã lập ra Hậu Bách Tế. Ở phía bắc, những kẻ nổi dậy tái lập Cao Câu Ly, bắt đầu thời kỳ Hậu Tam Quốc.

    2. Bột Hải

    Bột Hải (Balhae) được Đại Tộ Vinh (Dae Joyeong), một vị tướng cũ của Cao Câu Ly, thành lập ở vùng phía bắc lãnh thổ Cao Câu Ly cũ. Bột Hải kiểm soát những vùng cực bắc Bán đảo Triều Tiên, đa phần Mãn Châu, và đã mở rộng tới vùng Primorsky Krai của nước Nga ngày nay. Bột Hải tự coi mình là nhà nước kế tục của Cao Câu Ly.

    Trong một thời gian khá hòa bình và ổn định trong vùng, văn hóa Bột Hải phát triển, đặc biệt trong giai đoạn trị vì khá dài của vị Hoàng đế thứ ba, Đại Khâm Mậu (Dae Heummu) (khoảng 737-793). Tương tự văn hoá Tân La, văn hoá Bột Hải chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Phật giáo. Tuy nhiên, Bột Hải bị suy yếu nhiều ở thế kỷ thứ 10, và Triều đình nhà Liêu của người Khiết Đan đã chinh phục Bột Hải năm 926.

    Không văn bản lịch sử nào từ Bột Hải còn lại tới ngày nay, Cao Ly đã sáp nhập một số vùng lãnh thổ Bột Hải và tiếp nhận những người tị nạn Bột Hải, gồm cả Hàn tử và gia đình hoàng gia, nhưng cũng không hề có ghi chép lịch sử nào. Ví dụ, cuốn Tam quốc sử ký, có nhiều đoạn viết về Bột Hải, nhưng không nói về lịch sử triều đại Bột Hải. Nhà sử học Triều Tiên thế kỷ 18 Liễu Đắc Cung (Yu Deukgong) ủng hộ việc nghiên cứu thích đáng về Bột Hải như một phần lịch sử Triều tiên, và đặt ra thuật ngữ "Giai đoạn Bắc Nam Quốc" để chỉ thời kỳ này.

    3. Hậu Tam Quốc

    Hậu Tam Quốc (892 - 936) gồm Tân La, Hậu Bách Tế, và Hàn Phong (Taebong, cũng được gọi là Hậu Cao Câu Ly). Hai nước sau, được thành lập khi Tân La Thống nhất suy tàn, và được coi là những nước hậu duệ của Tam Quốc Triều Tiên.

    Hàn Phong (Hậu Cao Câu Ly) ban đầu do Cung Duệ (Gung Ye), một nhà sư Phật giáo lãnh đạo. Nhưng sau đó đã bị Vương Kiến (Wang Geon) (877-943) phế truất năm 918, khi Cung Duệ giết vợ và con trai ông. Wang Geon là người được lòng dân, ông đã thống nhất toàn bộ bán đảo.

    V. Vương triều Cao Ly (Koryeo, Goryeo)

     

    Cao Ly được thành lập năm 918, đến năm 936, đã thay thế Tân La cai trị đất nước. Triều đại này kéo dài đến năm 1392. Trong thời kỳ này các bộ luật đã được soạn thảo và một hệ thống dịch vụ dân sự được đưa ra áp dụng. Phật giáo phát triển mạnh và mở rộng ra toàn bán đảo. Sự xuất bản cuốn Bát vạn đại tạng kinh (Tripitaka Koreana), và kỹ thuật in kim loại đầu tiên trên thế giới trong thế kỷ 13, là minh chứng cho những thành tựu văn hóa của Cao Ly.

    Năm 1231 người Mông Cổ bắt đầu những trận chiến chinh phục Triều Tiên. Sau 25 năm kháng chiến, gia đình hoàng gia đã phải ký kết một hòa ước với người Mông Cổ với nội dung chấp nhận sự can thiệp của Mông Cổ vào nội bộ vương quốc. Đến những năm 1340, đế chế Mông Cổ suy tàn vì những cuộc nội chiến. Cao Ly Cung Mẫn Vương (Cungmin) dành được quyền tự quyết. Bước đầu, ông phải đương đầu với nhiều vấn đề gay gắt như việc loại bỏ những tướng lĩnh ủng hộ Mông Cổ, sở hữu đất đai và dập tắt tình trạng thù địch giữa những tín đồ Phật giáo và các học giả Khổng giáo.

    Một vấn đề khác là hải tặc "Nhật Bản" (Nụy khấu = giặc lùn), khi ấy đã tổ chức những cuộc tấn công vào sâu trong nội địa. Tướng Lý Thành Quế (Lee Seonggye) đã thành công với hàng loạt những chiến dịch đẩy lùi hải tặc. Triều đại Cao Ly tồn tại tới năm 1392, thì bị Lý Thành Quế, người được sự ủng hộ của tầng lớp quan lại, tiến hành đảo chính.

    VI. Vương triều Triều Tiên (Joseon, Choseon, Chosun)

    Năm 1392, tướng Lee Seonggye (Lý Thành Quế) được phái tới Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại nhà Minh, nhưng ông quay lại lật đổ vua Cao Ly và thành lập triều đại mới đặt tên là Triều Tiên để vinh danh Cổ Triều Tiên trước đó (chữ "Cổ" về sau được thêm vào để phân biệt). Vua Hàn Tổ dời đô tới Hanseong (Hán Thành) (tên chính thức là Hanyang- Hán Dương- Seoul ngày nay) và xây dựng Gyeongbokgung (Cảnh Phúc cung). Năm 1394 ông đưa Khổng giáo trở thành tôn giáo chính thức của đất nước. Nhà Triều Tiên có nhiều tiến bộ trong khoa học và văn hoá: đáng chú ý nhất là bảng chữ cái Hangul do Thế Tông phát minh năm 1443. Triều đại Triều Tiên được cho là triều đại nắm quyền lâu nhất tại Đông Á trong thiên niên kỷ qua.

    1. Kinh tế

    Sau khi Vương triều Triều Tiên được thành lập và hoàn thiện, kinh tế cũng bắt đầu khởi sắc. Buổi đầu thời Triều Tiên, kinh tế ổn định, đặc biệt dưới thời cai trị của vua Thế Tông.

    2. Xã hội

    Nhà Triều Tiên đã thành lập một hệ thống tầng lớp xã hội rất chặt chẽ gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế. Vua là người ở trên đỉnh hệ thống, dưới có các "lưỡng ban" (yangban- quý tộc) gồm các vị quan trong triều, các tướng lĩnh và học giả. Tầng lớp trung lưu gồm một số thương nhân và thợ thủ công. Đa số người trong xã hội thuộc tầng lớp nông dân và tầng lớp thấp nhất là nô lệ.

    3. Ngoại xâm

    Joseon đã phải đương đầu với hai cuộc xâm lược của Nhật Bản vào năm 1592 và 1598 (Chiến tranh Imjin). Đô đốc Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thuần) là một nhân vật kiệt xuất lãnh đạo kháng chiến, lần đầu tiên các tàu rùa và hwacha được đưa vào sử dụng trong quân đội Triều tiên. Sau này, có thêm các cuộc xâm lược khác từ Mãn Châu năm 1627 và năm 1636. Thương mại với người Nhật Bản được mở tại Busan, và các sứ thần đã được cử tới Edo tại Nhật Bản. Người Châu Âu không được phép buôn bán tại các cảng Triều Tiên cho tới tận những năm 1880.

    4. Ngoại giao

    Trong thế kỷ 19, Triều Tiên tìm cách kiểm soát các ảnh hưởng từ bên ngoài thông qua việc đóng cửa các biên giới với tất cả các nước, ngoại trừ Trung Quốc. Năm 1853 chiếc USS South America, một tàu chiến Mỹ, đã tới thăm Busan trong 10 ngày và có những tiếp xúc thân thiện với các vị quan chức địa phương Triều Tiên. Triều đình Joseon áp dụng một chính sách thận trọng với những thay đổi chậm chạp với phương Tây. Năm 1866 Vụ việc Tướng Sherman khiến Triều Tiên và Hoa Kỳ rơi vào tình trạng đối đầu. Năm 1871, Hoa Kỳ xung đột với quân đội Triều Tiên, sau đó rút lui. Tới năm 1876, một đất nước Nhật Bản hiện đại nhanh chóng và đã có thể đương đầu thành công với Nhà Thanh trong Chiến tranh Trung - Nhật (1894-1895), đã buộc Triều Tiên phải mở cửa các cảng biển. Năm 1895, người Nhật ám sát Hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành), người đang tìm cách lôi kéo sự giúp đỡ từ phía Nga, và người Nga đã rút khỏi Triều Tiên.

    Năm 1897, Joseon được đổi tên thành Daehan Jeguk ( Đại Hàn đế quốc), thực tế đã thành một quốc gia bị bảo hộ của Nhật Bản, Hiệp ước Bảo hộ 1905 được ban hành nhưng không có dấu triện của Hoàng đế Gojong như thông lệ.

    VII. Thời kỳ thuộc Nhật

    Năm 1910 Nhật Bản hoàn toàn thôn tính Triều Tiên bằng Hiệp ước sáp nhập Nhật Bản - Triều Tiên. Tuy tính pháp lý của hiệp ước vẫn được phía Nhật Bản xác nhận, nói chung nó không được thừa nhận tại Triều Tiên bởi Hoàng đế Triều Tiên không ký kết vào văn bản này. Triều Tiên bị Nhật Bản cai quản dưới cái gọi là Bảo hộ, với chủ quyền trên danh nghĩa đã được chuyển từ Triều đại Joseon sang Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Triều Tiên.

    Sau khi Hoàng đế Gojong qua đời tháng 1 năm 1919, những cuộc tuần hành đòi độc lập diễn ra trên khắp nước ngày 1 tháng 3 năm 1919 (Phong trào mùng 1 tháng 3 (Samil)). Phong trào này đã bị đàn áp bằng vũ lực và khoảng 7.000 người đã bị cảnh sát và binh lính Nhật giết hại. Một con số ước tính 2 triệu người đã tham gia vào các cuộc tuần hành hòa bình, ủng hộ giải phóng. Nhiều tín đồ Thiên chúa giáo Triều Tiên, đã bị đóng đinh hay bị thiêu sống tại các nhà thờ khi họ đấu tranh cho sự độc lập của Triều Tiên. Phong trào này một phần có ảnh hưởng từ bài diễn văn năm 1919 của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson, tuyên bố ủng hộ quyền tự quyết và sự chấm dứt quyền cai quản thuộc địa của người Châu Âu.

    Chính phủ Lâm thời của Cộng hòa Triều Tiên đã được thành lập tại Thượng Hải, Trung Quốc, sau Phong trào mùng 1 tháng 3, chính phủ này phối hợp với các phong trào giải phóng và kháng chiến trong nước chống lại sự kiểm soát của Nhật Bản. Chính phủ Lâm thời được coi là chính phủ trên danh nghĩa của nhân dân Triều Tiên trong giai đoạn từ 1919 đến 1948, và tính hợp pháp của nó đã được ghi nhận trong lời mở đầu hiến pháp Hàn Quốc.

    Những cuộc nổi dậy chống Nhật Bản sau đó, đã dẫn tới việc tăng cường quản lý quân sự. Sau Chiến tranh Trung - Nhật 1937 và Thế chiến thứ II bùng nổ, Nhật Bản tìm cách tiêu diệt sự hiện diện của Triều Tiên với tư cách một quốc gia. Văn hóa và kinh tế Triều Tiên đã bị hủy hoại đáng kể. Báo chí bị cấm xuất bản bằng tiếng Triều Tiên và việc nghiên cứu lịch sử Triều Tiên cũng bị cấm đoán tại các trường đại học, sách sử Triều Tiên bị đốt, phá hủy hay bị cấm đoán.

    Một số người Triều Tiên đã rời bán đảo Triều Tiên tới Mãn Châu và Primorsky Krai, và thành lập những nhóm kháng chiến gọi là Dongnipgun (Quân đội Độc lập). Những đội quân du kích đã tập hợp với nhau để trở thành Quân đội Giải phóng Triều Tiên và tham gia vào hoạt động đồng minh tại Trung Quốc và nhiều khu vực ở Đông Nam Á.

    VIII. Sự chia cắt Triều Tiên

    Sự đầu hàng của Nhật Bản và sự sụp đổ của nước Đức Phát xít, cộng với những thay đổi trong chính trị và ý thức hệ quốc tế, đã dẫn tới sự phân chia Triều Tiên thành hai vùng chiếm đóng từ ngày 8 tháng 9 năm 1945, với Hoa Kỳ quản lý phần phía nam bán đảo và Liên bang Xô viết chiếm phần phía bắc vĩ tuyến 38. Chính phủ Lâm thời không được tham khảo ý kiến.

    Tháng 12 năm 1945, một hội nghị được tổ chức tại Moscova để thảo luận tương lai Triều Tiên nhưng không thể giải quyết được vấn đề thành lập chính phủ. Tháng 9 năm 1947, Hoa Kỳ đã đệ trình vấn đề Triều Tiên ra trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.

    Những hy vọng ban đầu về một Triều Tiên thống nhất và độc lập nhanh chóng tan biến với tình hình chính trị thời Chiến tranh lạnh. Ngày 12 tháng 12 năm 1948, theo nghị quyết 195 tại kỳ họp thứ 3, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận Cộng hòa Triều Tiên là chính phủ hợp pháp duy nhất của Triều Tiên. Tháng 6 năm 1950 Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ khi Bắc Triều Tiên vượt vĩ tuyến 38 tấn công miền Nam, chấm dứt bất kỳ hy vọng nào về một sự thống nhất hòa bình ở thời điểm đó.

    TIN LIÊN QUAN

    Bánh gạo Hàn Quốc - Cốt lõi nền ẩm thực đa sắc xứ Hàn
    03 THÁNG 11 Bánh gạo Hàn Quốc - Cốt lõi nền ẩm thực đa sắc xứ Hàn

    Là một đất nước có gạo và ngũ cốc là loại lương thực chủ đạo, thật thiếu sót khi không kể đến bộ sưu tập bánh gạo Hàn...

    Làn sóng Hallyu và sự ảnh hưởng của nó tại Việt Nam
    17 THÁNG 09 Làn sóng Hallyu và sự ảnh hưởng của nó tại Việt Nam

    Hãy để Phuong Nam Education lí giải giúp bạn quá trình phát triển và sự ảnh hưởng của văn hóa Hallyu tại Việt Nam.

    Khám phá 5 khu chợ nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc
    17 THÁNG 09 Khám phá 5 khu chợ nổi tiếng ở Seoul, Hàn Quốc

    Cùng Phuong Nam Education khám phá điểm thu hút khách du lịch từ những khu chợ truyền thống Hàn Quốc.

    29 món ăn ngon nhất ở Hàn Phần 2
    24 THÁNG 08 29 món ăn ngon nhất ở Hàn Phần 2

    Tiếp theo, đây là những món ăn cực ngon ở Hàn mà bạn cần biết để thử nếu có dịp đến viếng thăm.

    Để lại số điện thoại
    để được Phuong Nam Education liên hệ tư vấn

    Hoặc gọi ngay cho chúng tôi:
    1900 7060

    Gọi ngay

    ĐĂNG KÝ TƯ VẤN KHÓA HỌC

    https://zalo.me/2229605603187256482